Phanh tay ô tô là một bộ phận vô cùng quan trọng được trang bị trên các mẫu xe ô tô. Với công dụng tuyệt hảo giữ cho xe đứng yên mỗi khi lên đèo dốc hoặc đỗ xe. Mặc dù quan trọng là thế, nhưng không ít tài mới phạm sai lầm khi quên hạ/kéo phanh sử dụng phanh tay ô tô.
Đối với một số mẫu xe cao cấp được trang bị hệ thống phanh tay điện tử (Electronic Parking Brake) điều khiển tự động nhưng phần lớn ô tô phổ thông tại Việt Nam vẫn sử dụng hệ thống phanh tay cơ khí truyền thống. Nếu bất cẩn quên hạ/kéo phanh tay khi vận hành hoặc dừng đổ xe về lâu dài sẽ khiến xe của trở nên hư hại.
Sau đây mời bạn khám phá ngay 3 lỗi phanh tay ô tô mà các ‘tài mới’ thường mắc phải để bỏ túi thêm những kinh nghiệm cho hành trình lái xe của bạn.
1. Quên hạ hoặc hạ chưa hết thắng tay
Nếu người sử dụng quên hạ hoặc chưa hạ hết thắng tay sẽ xảy ra hiện tượng ma sát lớn giữa má phanh và tang trống làm cho má phanh có thể bị cháy. Lúc này, hệ thống tín hiệu trên xe sẽ đưa ra các đèn cảnh báo trên đồng hồ trung tâm. Trong trường hợp người lái vẫn không để ý đèn cảnh báo, sau khi cho xe chạy sẽ cảm nhận được độ nặng của xe kèm theo mùi khét từ hệ thống phanh.
Bên cạnh đó, các hệ thống cảm biến gắn trên cụm phanh như hệ thống chống bó cứng phanh ABS cũng có thể bị hỏng. Tuy nhiên, điều nguy hiểm hơn là nhiệt phát sinh có thể làm sôi dầu phanh dẫn đến hậu quả là phanh mất tác dụng.
2. Hạ phanh tay khi xe chưa dừng hẳn
Một số tài xế mới trong quá trình vận hành thường hạ thắng tay khi xe chưa dừng lại hẳn. Thật ra, phanh tay không được thiết kế cho khả năng dừng khi xe đang chạy, mà chỉ để giữ xe đứng yên khi xe đã dừng. Trong trường hợp xe đang di chuyển hay chưa dừng lại hẳn, nếu tài xế sơ suất kéo phanh tay, lực phanh tác động lên 2 bánh sau có thể dẫn đến hiện tượng trượt bánh, gây nguy hiểm.
Việc sử dụng phanh tay khi xe đang chạy, chỉ được các tay lái chuyên nghiệp áp dụng để trình diễn những màn drift xe. Tuy nhiên, các xe dùng để biểu diễn thường được “độ” lại hệ thống phanh tay để tạo ra lực phanh lớn hơn.
Với những mẫu xe đời cũ, trong trường hợp bất khả kháng khi phanh chân gặp sự cố, giải pháp được nhiều người sử dụng là kéo phanh tay, nhưng do lực tác động của phanh tay yếu hơn hoặc má phanh bị mòn, nên rất khó phát huy tác dụng.
3. Quên kéo phanh tay khi đỗ xe
Một số tài mới thường quên lãng hoặc chủ quan cho rằng khi đỗ xe, chuyển cần số về P thì xe sẽ đứng yên. Tuy nhiên, dù cần số đã chuyển về P, xe không thể di chuyển do hộp số giữ lại, nhưng có nhiều trường hợp xe đỗ tại những địa điểm có độ dốc lớn, xe chịu tải nặng hay vì lý do nào đó có thể gây sự cố, số P mất tác dụng và bánh răng cóc mòn nhanh. Lúc này nếu không gài thắng tay sẽ làm xe bị trôi và rất dễ xảy ra va chạm.
Chính vì vậy, để đảm bảo an toàn, khi sử dụng ô tô các lái xe nên tập thói quen kéo phanh tay khi dừng đỗ xe.
Hy vọng với bài viết này hữu ích sẽ giúp các tài xế có thêm kinh nghiệm trong việc chăm sóc, bảo dưỡng ô tô của mình.